TTCK Trung Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

16:05:00 - 11/04/2008

TTCK Trung Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Thị trường chứng khoán Trung Quốc được ra đời cuối những năm 1980, với hai sàn giao dịch lớn là sàn giao dịch Thượng Hải và sàn Thâm Quyến (Shenzhen) đều ra đời năm 1990. Cổ phiếu lên giá rất nhanh vào đầu thập niên sau đó, nhưng rồi chững lại và đi xuống từ năm 2001 đến năm 2005.

 

Tại nước này, vào lúc thấp điểm nhất giá cổ phiếu đã giảm 55% so với thời cao điểm năm 2001, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định ở mức cao trong thời gian này.

 

Từ đầu năm 2006 cho tới nay, thị trường chứng kiến sự bùng nổ thần kỳ. So với điểm đáy năm 2005, sau 2 năm chỉ số thị trường của Thâm Quyến tăng 600%.



(Chỉ số SSE COMPONENT INDEX của sàn Thâm Quyến)






Một số đặc tính của thị trường Trung Quốc trong những năm đầu

 

Có rất nhiều nghiên cứu về thị trường chứng khoán Trung Quốc, vốn dĩ là thị trường phát triển nhanh và quy mô mở rộng một cách bất thường trên thế giới. Trong các nghiên cứu về sự biến động của thị trường, có thể tóm tắt một số đặc tính sau của thị trường Trung Quốc:

 

Sự biến động của thị trường TQ khá lớn và tỷ suất lợi nhuận thị trường có thể diễn tả bằng mô hình phân phối trải rộng (fat-tailed). Các chính sách tự do hoá thị trường của chính phủ càng làm tăng tính biến động của thị trường.

 

Có sự không hiệu quả đáng kể tại cả hai thị trường sàn Thượng hải và Thâm Quyến. Có các hiệu ứng tiêu cực cuối tuần và tích cực vào ngày lễ.

 

Nhưng không có bằng chứng nào của hiệu ứng tháng giêng (thường được gọi là “hiệu ứng cuối năm” là một hiệu ứng thời gian trong đó các cổ phiếu nhỏ có xu hướng tăng giá vào thời gian ngày cuối tháng 12 cho tới ngày thứ 5 của tháng 1).

 

Tỷ suất lợi nhuận cao nhất của cả hai sàn diễn ra vào ngày thứ năm thay vì thứ sáu. Các quy định giới hạn tăng giá có ảnh hưởng tới tỷ suất lợi nhuận trên các sàn. Tỷ suất lợi nhuận hàng ngày của cổ phiếu tỷ lệ thuận với rủi ro của cổ phiếu

 

Giữa các cổ phiếu trong cùng một ngành (trong tổng số 18 ngành) có mối tương quan như thế nào trong các chu kỳ tăng mạnh hay giảm mạnh.

 

Xu hướng của thị trường TQ trái ngược với thị trường Mỹ, có sự tương quan mạnh trong ngành tài chính khi thị trường đổ dốc, còn các ngành khác mối tương quan chỉ mạnh khi thị trường dốc lên.

 

Tương tác giữa Cổ phiếu A và cổ phiếu B trên hai Sàn giao dịch Thượng Hải (SHSE) và Shenzhen (SZSE). (các cổ phiếu A - chỉ bán cho người dân Trung Quốc và các cổ phiếu B - bán cho người trong nước và nước ngoài).

 

Có mối quan hệ nguyên nhân - kết quả từ thị trường cổ phiếu B tới thị trường Cổ phiếu A nhưng chiều ngược lại thì không đúng. Nguyên nhân có thể từ mục tiêu đầu tư và phạm vi đầu tư giữa hai nhóm nhà đầu tư và hàng rào giữa hai thị trường.

 

Có mối liên hệ mạnh giữa các cổ phiếu cùng dạng (A hoặc B), hơn là giữa các cổ phiếu khác dạng.

 

Chính sách của Uỷ ban Giám quản Chứng khoán Trung quốc thiếu sự liên tục và ổn định, tạo nên những biến động rất lớn của thị trường.

 

Bằng chứng là 26 phiên tăng điểm mạnh nhất từ 8.08% tới 28.86% và 25 phiên giảm điểm mạnh nhất từ −17.91% tới −7.41% của Chỉ số Sàn giao dịch Thượng hải từ 1991 tới 2002.

 

Tất cả các phiên này đều có nguyên nhân từ chính sách hay thông tin liên quan do chính phủ đưa ra.

 

Chỉ số P/E tại hai sàn Thượng hải và Shenzhen là 58.22 và 56.03 vào năm 2000, cao hơn rất nhiều so với giá trị trung bình là 15 tại các thị trường phát triển.

 

Điều này chứng tỏ trong những năm đầu của thị trường, xu hướng đầu cơ ngắn hạn chi phối các nhà đầu tư tại Trung Quốc.

 


Bài học cho thị trường Việt Nam

 

Có thể nói rằng thị trường chứng khoán Việt nam có rất nhiều đặc tính giống với thị trường chứng khoán Trung Quốc vào thời điểm ban đầu.

 

Đây là do đặc điểm phát triển kinh tế của Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng (đều là nước xã hội chủ nghĩa, trong đó thành phần kinh tế nhà nước chiếm vai trò lớn, đã và đang thực hiện việc cổ phần hoá chuyển từ sở hữu nhà nước sang cổ phần, cả hai nền kinh tế đều tăng trưởng nhanh, vai trò của quản lý nhà nước đặc biệt quan trọng).

 

Theo Phòng Phân tích của Công ty CK Euro Capital, chúng ta có thể nhìn vào mô hình phát triển của thị trường CK Trung Quốc để dự báo phần nào các biến động có thể của thị trường CK Việt nam, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận chỉ số thị trường, ảnh hưởng của chính sách nhà nước.

 

Nhìn vào sự phát triển của thị trường TQ có thể thấy rằng sự biến động của thị trường rất mạnh, phụ thuộc nhiều vào chính sách của nhà nước. Thị trường TQ cũng có những thời kỳ phát triển dài nhưng cũng có cả 5 năm (từ 2001-2005) các chỉ số thị trường giảm sút xuống còn một nửa.

 

Nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tìm hiểu sự phát triển và các đặc tính của thị trường chứng khoán TQ để rút ra các kinh nghiệm quý báu cho mình, vững tin trong đầu tư, ngay cả khi thị trường giảm sút kéo dài.


(Bài viết có sử dụng số liệu của công ty Chứng Khoán EuroCapital)



Trần Long (VNR 500)


(Nguồn: Vietnamnet)

Tin liên quan